A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

TRƯỜNG MN PHỤNG CÔNG TUYÊN TRUYỀN PHÒNG TRÁNH DỊCH BỆNH QUAI BỊ, SỞI, RUBELLA

            Kính thưa các bậc phụ huynh!

Thời tiết giao mùa, nhất là mùa Xuân - Hè khiến dịch bệnh truyền nhiễm dễ phát triển. Đây cũng là thời điểm vào mùa của bệnh quai bị, sởi, rubella. Chính bởi vậy, trường MN Phụng Công xin được gửi tới quý phụ huynh bài tuyên truyền về phòng, tránh dịch bệnh quai bị, sởi rubella như sau:​​​​

I. Bệnh Quai bị

     Bệnh quai bị hay còn gọi là viêm tuyến nước bọt mang tai và được gây ra bởi loại virus có tên là Paramyxovirus có ái tính với các tổ chức tuyến và thần kinh. Là loại bệnh thường gặp và chủ yếu tác động lên trẻ em có độ tuổi từ 3 đến 15 tuổi. Bệnh quai bị thường hay xuất hiện nhiều vào mùa hè và cũng có thể xảy ra quanh năm vào những mùa thu, đông. Bệnh sẽ phát triển thành dịch ở những nơi ở tập thể đông như trường học, khu tập thể.

          Dấu hiệu và các triệu chứng bệnh quai bị

 

 

 Bệnh quai bị là loại bệnh nhẹ nhưng nếu không phát hiện và điều trị sớm có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm đến não như: viêm màng não và nguy hiểm hơn là sưng tinh hoàn, xảy ra ở nam giới trưởng thành với nguy cơ mắc phải là 20-30%.

          Nguyên nhân: Bệnh quai bị là do virus gây nên vì vậy sẽ nhanh chóng lây lan qua đường hô hấp, ăn uống và qua những giọt nước bọt khi bệnh nhân ho hoặc hắt hơi. Bệnh xuất hiện nhiều ở các trẻ nhỏ, những trẻ lớn chưa tiêm phòng quai bị và những người trưởng thành chưa có miễn dịch quai bị, ở người lớn có thể bị nhưng tỉ lệ rất thấp. Thời gian lây lan bệnh là từ 6 ngày trước khi phát hiện bệnh hoàn toàn và đến 2 tuần sau khi có triệu chứng bệnh.

          Triệu chứng bệnh quai bị: Khi bị nhiễm virus quai bị, phần lớn bệnh nhân thấy khó chịu từ 1 – 2 ngày trước khi các triệu chứng xuất hiện. Bệnh nhân bị sốt cao (390­­­­­­C – 400C) trong 3 – 4 ngày, chảy nước bọt, sưng vùng mang tai, dấu hiệu dễ nhận biết nhất là má sưng to, có thể sưng một bên mặt rồi lan sang bên kia hoặc sưng hai bên cùng một lúc. Tuy nhiên, có khoảng 25% người bị nhiễm virus quai bị mà không có triệu chứng bệnh lý, đây là những đối tượng có khả năng truyền bệnh mà người xung quanh không biết. Bệnh thường tự khỏi sau 1 tuần đến 10 ngày. Sau đó, bệnh nhân được miễn dịch suốt đời.

          Bệnh quai bị ở người lớn thường nặng và có nhiều biến chứng hơn ở trẻ em nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời có thể có các biến chứng như: viêm tinh hoàn và mào tinh hoàn, nhồi máu phổi, viêm buồng trứng, viêm tụy; tổn thương thần kinh; đặc biệt bệnh quai bị ở phụ nữ có thai trong 3 tháng đầu của thai kỳ có thể gây sẩy thai hoặc sinh con dị dạng, trong 3 tháng cuối của thai kỳ có thể sinh non hoặc thai chết lưu.

          Phòng và cách chữa bệnh quai bị: Đây là bệnh do virus gây ra nên chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, các trường hợp mắc bệnh phải được nghỉ ngơi tại chỗ; ăn thức ăn mềm, dễ nuốt. Khi bị mắc bệnh, người bệnh cần vệ sinh răng miệng thường xuyên; cần được cách ly trong khoảng 2 tuần kể từ khi có triệu chứng sưng ở mang tai. Trẻ em bị bệnh không được đến trường, vì như vậy sẽ là nguồn lây bệnh cho các trẻ khác. Các đồ vật có liên quan đến chất tiết mũi, họng cần phải được diệt khuẩn tốt. Có thể giảm đau tại chỗ bằng cách đắp ấm vùng sưng, giảm đau toàn thân và hạ sốt bằng Paracetamol. Trường hợp viêm tinh hoàn, chú ý mặc quần lót nâng tinh hoàn để giảm đau; nghỉ ngơi là chủ yếu, hạn chế vận động. 

II. Bệnh sởi, rubella

Bệnh sởi, rubella là một trong những bệnh nguy hiểm, nhất là khi thành dịch bệnh. Theo thống kê của cục Y tế dự phòng, bộ Y tế, hiện cả nước có gần 300 trường hợp mắc bệnh sởi.

Sởi, rubella là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus gây ra. Bệnh lây theo đường hô hấp qua các giọt bắn dịch tiết từ đường hô hấp của người mắc bệnh hoặc cũng có thể qua tiếp xúc trực tiếp. Mọi người đều có thể bị mắc sởi, rubella và dễ lây lan thành dịch, đặc biệt ở trẻ em chưa được tiêm phòng sởi, rubella đầy đủ.

Biểu hiện của bệnh: Sốt, phát ban và viêm đường hô hấp; có thể dẫn đến những biến chứng nặng như: Viêm tai giữa, viêm phổi, tiêu chảy, khô loét giác mạc mắt, viêm não,... dễ dẫn đến tử vong.

 

Để chủ động phòng, chống bệnh sởi, rubella, cục Y tế dự phòng (bộ Y tế) khuyến cáo các biện pháp để phòng bệnh hữu hiệu.

Các biện pháp cần làm để phòng bệnh sởi, rubella:

1. Đưa trẻ từ 9-12 tháng đến cơ sở y tế để được tiêm vắc xin phòng sởi mũi 1 và tiêm nhắc lại mũi 2 khi trẻ trên 18 tháng tuổi, tiêm vắc xin sởi, rubella cho trẻ từ 1-14 tuổi.

2. Thường xuyên vệ sinh đường mũi, họng, mắt hàng ngày.

3. Không cho trẻ em dùng chung vật dụng cá nhân (khăn mặt, bàn chải, kính, cốc, chén, bát, đũa...), đồ chơi hoặc đồ vật dễ bị ô nhiễm chất tiết mũi họng. Làm sạch đồ chơi, đồ vật bị nghi ngờ ô nhiễm dịch tiết mũi họng của bệnh nhân bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường với nước sạch.

4. Lau sàn nhà, nắm đấm cửa, mặt bàn, ghế, khu vệ sinh chung hoặc bề mặt của đồ vật nghi ngờ bị ô nhiễm dịch tiết mũi họng của bệnh nhân bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường từ 1 – 2 lần/ngày.

5. Khử trùng và vệ sinh thông khí: Thường xuyên mở cửa sổ, cửa chính để ánh nắng chiếu vào và đảm bảo thông thoáng khí cho nhà ở, phòng học, nơi làm việc, phòng điều trị hàng ngày.

6. Hạn chế tập trung đông người, hội họp, đặc biệt tại những phòng chật hẹp, ít thông khí ở khu vực ổ dịch.

7. Hạn chế tiếp xúc với người mắc/nghi mắc bệnh. Khi tiếp xúc với người bệnh phải đeo khẩu trang y tế và các trang bị phòng hộ cá nhân. Phụ nữ có thai tuyệt đối không tiếp xúc với người mắc bệnh rubella.

8. Thông báo cho cơ sở y tế khi có biểu hiện mắc bệnh để được khám, điều trị và hướng dẫn cách ly y tế kịp thời.

Khi nào cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế

Cần đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất khi có các dấu hiệu sau:

– Trẻ sốt cao liên tục ≥ 39°C- 40°C.

– Khó thở, thở nhanh.

– Mệt mỏi, không ăn uống gì, không chơi, lơ mơ…

– Phát ban toàn thân mà vẫn sốt.

Dấu hiệu của bệnh sởi, rubella nếu được phát hiện sớm, người bệnh sẽ tránh được nguy hiểm./.

                                                                                                                                                                             Thiết Đào 


Tác giả: Trường Mầm non Phụng Công
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Thống kê website
Lượt truy cập hiện tại : 1
Hôm nay : 4
Hôm qua : 28
Tháng 05 : 98
Tháng trước : 1.201
Quý 2 : 1.299
Năm 2024 : 3.748
Năm trước : 17.057
Tổng số : 45.104
Bản đồ

Trường mầm non Phụng Công  |  Địa chỉ: Thôn Bến, xã Phụng Công, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên  |  Điện Thoại: 02213934233  |  Email: mnphungcongvg@gmail.com.vn